Trồng trọt Sầu riêng Mon Thong

Phân bố

Đây là một trong 3 giống sầu riêng trồng cho mục đích thương mại phổ biến nhất tại Thái Lan bao gồm Xà Ni, Kan Yao và Mon Thong.[4] Mon Thong và Xà Ni chiếm đến 90% diện tích trồng sầu riêng tại Thái Lan.[5] Vùng Nonthaburi là vùng đất trồng sầu riêng Mon Thong nổi tiếng nhất Thái Lan.[6]

Tại Việt Nam, Mon Thong, Ri6 và Cơm vàng hạt lép là ba giống phổ biến nhất. Mon Thong được trồng ở các tỉnh miền Tây Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long,...trồng ở các tỉnh miền Đông Bình Dương, Bình Phước.[4] Cho đến 2023, diện tích trồng sầu riêng ở Việt Nam là 131.000 ha, trong đó tốc độ trồng nhanh nhất là ở Tây Nguyên, hiện tại đã chiếm gần 70.000 ha.[7] Giống sầu riêng Mon Thong chiếm 50% diện tích trồng, giống Ri6 cũng có diện tích gần tương đương, cả hai là các giống sầu riêng trồng nhiều nhất Việt Nam.[8] Tại Tiền Giang, diện tích sầu riêng là 17.000 ha, tập trung ở Thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành.[9]

Trồng cây

Một cây con.

Đối với giống sầu riêng Mon Thong có thể trồng bằng phương pháp chiết ghép.[10] Điểm yếu của Mon Thong là cây trồng không có khả năng kháng các bệnh như thối rễ, thối thân, ung thư thân,[11] trong đó cây dễ bị thối các phần trên thân và chảy mạch nhựa, hay còn gọi là xì mủ, nguyên dân do nấm Phytophthora palmivora gây ra.[12] Cây sẽ chết khi tình trạng chuyển biến nghiêm trọng.

Hoa

Hoa của Mon Thong có khả năng sống sót tương đối cao, khoảng 90%, cao hơn giống sầu riêng Kradumthong (Kradoomthong), chỉ khoảng 83%, nhưng thấp hơn giống Xà Ni, 94% và Kan Yao 96%. Các thay đổi thời tiết mạnh như mưa, sương và nhiệt độ dưới 18°C sẽ làm hỏng khả năng tồn tại của phấn hoa.[13] Mon Thong giống như một số giống sầu riêng chẳng hạn như giống Kob và giống E - Nak, chúng mất nhiều thời gian, thường là 120 đến 140 ngày để trái phát triển đầy đủ từ khi đậu quả thành công. Trong khi đó, các giống Kan Yao, Chompoose, Tongyoichat mất 105 đến 120 ngày; các giống Kradoomthong, Xà Ni, Luang, Khcow Sa-ard chỉ mất 95 đến 105 ngày.[14]

Quả

Cây trồng đến năm thứ 4 hoặc thứ 5 là đã có thể bắt đầu thu hoạch quả mùa đầu tiên.[1] Sầu riêng Xà Ni có thời gian chín quả sớm hơn Mon Thong,[15] quả khi chín có màu vàng đậm và có mùi nồng hơn Mon Thong.[16] Tuy nhiên, quả của Mon Thong có thịt quả chứa hàm lượng polyphenol[lower-alpha 1] cao hơn các giống sầu riêng khác,[18] trong khi các giống có hàm lượng polyphenol từ 21,44 đến 374,30 mg thì Mon Thong có hàm lượng cao nhất 374,30 mg cho mỗi 100 g thịt quả tươi.[19] Quả có cân nặng trung bình 2,5 đến 3 kg.[20] Thịt quả của Mon Thong ngọt, giòn, thơm và mùi không hăng quá mức.[21]

Thu hoạch và bảo quản

Trong ba giống Xà Ni, Kan Yao và Mon Thong thì Mon Thong là giống được nông dân chuộng trồng hơn,[22] sau đó là đến giống Xà Ni.[23] Do Mon Thong có nhiều lợi ích, quả thơm bùi, hạt nhỏ và bảo quản được lâu hơn. Ngoài ra, thời gian thu hoạch có thể kéo dài.[22] Điều này có lợi cho việc chờ và nắm bắt giá cả thị trường. Nó đã được xử lý để có thêm mùa vụ nghịch quả.[24] Mon Thong được thu hoạch khi quả chín 75-85%, rồi được xử lý sau thu hoạch bằng ethephon hoặc methylcyclopropene, sau đó bảo quản ở nhiệt độ thấp.[25] Nhiệt độ bảo quản là 14°C khi cần bảo quản 20 ngày, 20°C khi bảo quản 10-15 ngày, 25°C khi cần bảo quản 7 ngày và 30°C khi cần bảo quản 4-5 ngày.[26]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sầu riêng Mon Thong https://books.google.com.vn/books?hl=vi&id=sS3tAAA... https://books.google.com.vn/books?id=sS3tAAAAMAAJ https://www.worldcat.org/oclc/50259332 https://books.google.com.vn/books?id=9JPaDwAAQBAJ https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/polypheno... https://books.google.com.vn/books?id=eScsDwAAQBAJ https://books.google.com.vn/books?id=9IZGEAAAQBAJ https://www.google.com.vn/books/edition/Exotic_Fru... https://www.google.com.vn/books/edition/Postharves... https://www.google.com.vn/books/edition/Global_Pro...